Bằng Pixel 2, Google đang muốn né một cuộc chiến cấu hình, và họ cũng muốn các đối tác phần cứng của mình cũng làm như vậy. Từ lâu những sản phẩm Nexus, Pixel của Google đã làm một thiết bị tham chiếu dành cho những hãng khác nhìn vào và biết một chiếc điện thoại Android tốt nên như thế nào, và Pixel 2 cũng không phải là ngoại lệ. Không chỉ là sản phẩm, qua đó Google còn muốn truyền đạt tinh thần và trải nghiệm người dùng nên được tận hưởng khi họ bỏ (nhiều) tiền để sắm một chiếc smartphone Android cao cấp.
Thực tế cũng cho thấy rằng hiện nay những chiếc máy flagship đều sử dụng những con chip mới nhất, mạnh nhất, RAM 4GB-6GB-8GB đã không còn là chuyện hiếm, và với một cấu hình có sự tương đồng cao nếu không muốn nói là giống nhau giữa những chiếc smartphone Android, người tiêu dùng như anh em Tinh tế chúng ta không cần phải quan tâm tới nó nữa. Máy nào cũng Snapdragon 835, thậm chí đoán được trước sắp tới sẽ như thế nào, máy nào cũng 4GB hoặc 6GB RAM, thì có gì phải để ý tới nữa. Thị trường chip năm 2017 và khoảng 4 năm trở lại đây đã rất ổn định và dễ dự đoán quá rồi, không lung tung và có nhiều sự phân mảnh như những gì diễn ra ở thời điểm smartphone Android bắt đầu bùng nổ.
Và cấu hình cũng chỉ là chuyện của những anh chàng kĩ thuật, thứ mà người dùng thật sự quan tâm chính là trải nghiệm. Theo thời gian những trải nghiệm này cũng thay đổi, nhưng nếu xét ở thời điểm hiện tại thì camera, thiết kế, màn hình và pin là những yếu tố được quan tâm hàng đầu.
Vì sao người ta quan tâm tới camera? Với sự phát triển của bộ nhớ, của các mạng xã hội, nhu cầu chia sẻ khoảnh khắc của người ta tăng lên, nhu cầu lưu lại những khoảnh khắc ngày một nhiều hơn, và có cả tác động ngang hàng từ những mối quan hệ của bạn nữa (bạn thấy người ta có hình đẹp, bạn cũng muốn chụp hình đẹp như thế). Chiếc điện thoại được mang ra để chụp ảnh nhiều hơn bao giờ hết.
Một vài số liệu: chỉ riêng trong năm nay, 1,2 nghìn tỉ bức ảnh số đã được chụp và 85% trong số đó là từ điện thoại dựa theo số liệu của công ty nghiên cứu KeyPoint Intelligence. Năm 2011, con số này chỉ mới là 400 tỉ thôi.
Chúng ta thường nói thiết bị không phải là tất cả, nếu một người chụp ảnh đẹp, có mắt, có kĩ thuật chụp tốt thì ảnh sẽ tự khắc đẹp. Nhưng đừng quên, không phải ai cũng làm được chuyện đó, rất nhiều người dùng vẫn chỉ là những người không rành về nhiếp ảnh, và cái họ muốn là đưa lên, chụp, và dính ảnh đẹp. Đơn giản, nhanh chóng. Chính vì điều này mà camera tốt, cả về phần cứng và phần mềm, là một trong những điểm quan trọng nhất để tạo nên trải nghiệm tốt cho người dùng.
Thiết kế cũng tương tự như camera. Thiết kế của điện thoại bây giờ không chỉ đơn giản là về mỹ thuật, nó còn là tiếng nói của người đang cầm máy, nó biểu hiện tính cách và phong cách sống của chủ nhân. Thế nên không lạ khi mà thiết kế giờ đang càng ngày càng nhận được sự quan tâm của các hãng sản xuất phần cứng. Apple, Google, Samsung, LG và HTC đều dành rất nhiều thời gian trong buổi lễ ra mắt sản phẩm của mình nói về thiết kế.
Năm 2015, nghiên cứu của Cơ quan Internet và Kĩ thuật số Hàn Quốc chỉ ra rằng thiết kế smartphone là yếu tố quan trọng hàng đầu khi người dùng đi mua điện thoại. Trang Engadget đánh giá thiết kế ở hạng số 1 về smartphone, ngoài ra còn phải đề cao chất lượng hoàn thiện nữa vì một cái máy thật đẹp khi bạn mở máy ra nhưng "tã" sau chỉ vài ngày hay vài tháng sử dụng sẽ làm người dùng cảm thấy vô cùng thất vọng. Tính dễ dùng cũng phải được quan tâm: không dễ rớt, dễ cằm nắm trong thời gian dài, vỏ bền bỉ... Trong khảo sát trên mạng xã hội của Samsung, thiết kế được xếp hạng thứ ba.
Nói cách khác, thiết kế và chất lượng hoàn thiện cũng là một trong những yếu tố đóng góp cho một trải nghiệm tốt của điện thoại. Thiết kế đó vừa phải đẹp, vừa phải dễ dùng, dễ cầm, chứ một sản phẩm đẹp nhưng dễ rớt chẳng giúp được cho trải nghiệm của bạn.
Cuối cùng là màn hình và pin. Màn hình là thứ bạn nhìn vào mỗi ngày, và thật khó chấp nhận khi bạn phải liên tục nhìn một thứ xấu, màu sai hay bị tối khi ra trời nắng. Pin rõ là quan trọng: bạn thích cầm máy tung tăng thoải mái đi cả ngày, hay cứ lâu lâu lại phải canh pin để gắn sạc dự phòng? Một người bình thường sẽ thích cái đầu tiên hơn, và mình tin rằng (đa số) mọi người đều như thế.
Nhưng thật đáng buồn, trong 4 yếu tố kể trên, pin ít có cải tiến chậm nhất trong thời gian qua và chúng ta vẫn thường xuyên phải đối mặt với tình trạng hết pin. Những chiếc điện thoại flagship hiện nay trụ được 2 ngày đã là cực kì đáng khen, một phần vì màn hình và chip tiêu thụ nhiều điện hơn, một phần vì nhà sản xuất phải giữ dung lượng pin ở mức hợp lý để không bị xấu đi về mặt cơ khí và thiết kế.
Tóm lại, với mình, một chiếc điện thoại có trải nghiệm tốt sẽ là một chiếc máy vừa đẹp vừa dễ cầm, hình chụp ra phải xuất sắc ngay cả với một thằng chụp cùi bắp như mình, và màn hình bắt buộc phải xuất sắc chứ mình nhất định không hạ thấp tiêu chuẩn màn hình xuống để nhường cho những yếu tố khác. Nó không nhất thiết phải có cấu hình mạnh nhất, nó không nhất thiết phải là máy đắt tiền, nó cũng có thể là iPhone hay máy Android đều được. Miễn là chiếc smartphone đó làm cho mình thấy thoải mái, vui vẻ, hạnh phúc khi cầm nó trên tay là ngon.